Giống này có khoảng 80 loài. Hầu hết chúng dễ nuôi trồng và dễ trổ hoa trong nhà, dưới ánh đèn, bên cửa sổ hay trong nhà kính, rất thích hợp cho người mới bắt đầu chơi lan.
1. Các điều kiện trồng và chăm sóc Lan Paphiopedilum:
* Nước và ẩm độ: Vì đây là loài không có giả hành nên bộ phận dự trữ nước của nó chủ yếu ở lá, vì vậy cần bổ sung lượng nước tưới cho cây đều đặn, cần duy trì ẩm độ khoảng 60-70%. Tưới 1-2 lần trong 1 tuần là đủ. Nên tưới nước vào buổi sáng sớm. Nước mưa rất tốt cho cây phát triển. Tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ và ánh sáng của từng mùa mà lượng tưới nước vào mỗi mùa có khác nhau. Vào mùa khô, cần tưới nước thêm để gia tăng độ ẩm cho cây. Nếu trồng Lan trong nhà thì nên đặt cây trên khay nước chứa đá sỏi để cây không bao giờ bị úng nước. Nếu trong nhà kính, chỉ cần tưới trên sàn nhà hoặc sử dụng hệ thống bốc hơi nước để gia tăng ẩm độ.
* Phân bón: Ở giai đoạn cây cần sinh trưởng, ta cần bón cho lan phân có hàm lượng nitơ cao (30-10-10). Ngay khi cây đã trưởng thành cần bón thúc phân có hàm lượng 10-20-10 để kích thích trổ hoa. Chỉ nên tưới phân cho lan từ 2-3 lần trong 1 tháng vào mùa hè và 1-2 lần trong tháng vào mùa đông.
* Ánh sáng: Hầu hết các loại lan Paphiopedilum đều cần ánh sáng yếu, thích hợp nơi có bóng râm như trong nhà hay bên cửa sổ, vì vậy không nên để chậu lan trực tiếp dưới ánh nắng, lá nhanh chóng sẽ bị cháy nếu ánh sáng quá nhiều. Đây là loài rất thích hợp trồng trong nhà, hay bên bệ cửa sổ.
* Nhiệt độ và sự thoáng khí: Có hai nhóm, nhóm Lan có lá đốm phát triển ở điều kiện khí hậu ấm thì phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình 24-27°C vào ban ngày, khoảng 16°C vào ban đêm; còn đối với nhóm Lan có lá xanh phát triển ở khí hậu lạnh thì nhiệt độ trung bình 22°C vào ban ngày, khoảng 12°C vào ban đêm. Luôn đảm bảo độ thóang khí tốt, nhất là vào mùa đông, để tránh nhiễm nấm và vi khuẩn gây bệnh cho cây. Vào mùa đông cần giữ độ ẩm thấp để tránh rễ bị thối rữa; và tăng độ ẩm vào mùa nóng để rễ không bị cháy.
* Trồng trong chậu: Có thể sử dụng chậu bằng plastic hay đất sét đều thích hợp. Mỗi chậu chứa tối đa từ 3-5 cây con (giả hành), đặt sâu vào khoảng nửa chiều cao chậu. Giá thể nuôi trồng có thể dùng 40% vỏ cây thông, 30% dương xĩ, 15% đá thô, 15% cát. Giá thể trong chậu dùng để trồng không quá dày để không khí có thể lưu thông tạo sự thoáng khí. Cứ sau 1 năm thay chậu 1 lần để lan phát triển tốt hơn. Khi thay chậu hay giá thể cho cây, thật cẩn trọng vì rễ của cây rất ít, mảnh và dễ nhạy cảm.
2. Giới thiệu kỹ thuật trồng Lan Paphiopedilum trong nước (Hydroponics) với giá thể LECA:
Trồng lan trong nước với giá thể viên LECA (LECA pebbles-Lightweight Expanded Clay Aggregate) hiện cũng đang được ưa chuộng nhiều trên thế giới vì tiện lợi và thẩm mỹ có thể đặt ở bất kỳ nơi nào. Vì các viên LECA này sẽ thay thế giá thể nuôi trồng cung cấp dinh dưỡng, ẩm độ, tạo sự thoáng khí tốt hơn và ít bị bệnh hơn, không sợ bị úng nước hay mục nát và cũng hạn chế việc thay chậu. Lan Paphiopedilum là một trong những loài nuôi trồng trong nước dễ nhất. Cũng như với bất kỳ loài lan khác, thời gian tốt nhất để nuôi lan trong nước là sau khi tất cả hoa đều tàn. Bao gồm các bước sau:
* Bước 1: Rửa các viên LECA với nước sạch để loại bỏ bụi dơ. Sau đó ngâm qua đêm trong dung dịch kích thích tạo rễ mới và kháng bệnh (KLN rooting solution).
* Bước 2: Cẩn thận lấy cây ra khỏi chậu.
* Bước 3: Cẩn thận loại bỏ tất cả hổn hợp giá thể còn dính trên rễ. Cố gắng không làm gãy bất kỳ rễ nào của cây vì rễ của Paphiopedilum rất dài và mảnh như sợi tóc, giống như những cái chân của con nhện.
* Bước 4: Rửa các rễ thật kỹ lưỡng để loại bỏ hoàn toàn giá thể môi trường củ còn dính lại để hạn chế sự gây nhiễm cây.
* Bước 5: Cho các viên LECA vào, cẩn thận đặt cây sâu hơn nửa chiều cao của chậu để giữ cây ổn định.
* Bước 6: Xếp chặt các viên LECA để chắc chắn không có khoảng không nào.
* Bước 7: Đặt dụng cụ đo lượng nước (water gauge) vào và đặt chậu cây vào dụng cụ trang trí.
Thủy Tiên lược dịch và tổng hợp
Nguồn: Nhiều Website nước ngoài
0 comments:
Post a Comment